Hậu quả Đại_nhảy_vọt

Bích chương tuyên truyền của Đại nhảy vọt. Lời văn nói: "Tổng lộ tuyến vạn tuế, đại dược tiến vạn tuế, nhân dân công xã vạn tuế" (Đường hướng chung muôn năm, Đại nhảy vọt muôn năm, công xã nhân dân muôn năm)

Đại nhảy vọt ngày nay được đa số mọi người, cả trong và ngoài Trung Quốc, xem như là một đại thảm họa kinh tế, thực sự đúng là một "Đại Nhảy Lùi" (Great Leap Backward) mà ảnh hưởng đến Trung Quốc trong nhiều năm sau đó. Khi các con số thống kê bị thổi phồng tới tay giới chức đặc trách kế hoạch, mệnh lệnh được ban ra là phải chuyển nguồn nhân lực lao động vào công nghiệp hơn là nông nghiệp. Con số người chết vượt bậc chính thức được ghi nhận tại Trung Quốc trong những năm của Đại nhảy vọt là 14 triệu, nhưng các học giả ước tính rằng con số nạn nhân chết đói là từ 20 đến 43 triệu.[4] Ba năm từ năm 1959 đến năm 1962 được biết như là "Ba năm Ác nghiệt" (Three Bitter Years) và Ba năm Thiên tai. Nhiều quan chức địa phương bị truy tố và hành quyết công khai vì đưa ra thông tin sai lệch.[5]

Vào đầu thập niên 1980, những người chỉ trích về Đại nhảy vọt tiếp tục đưa ra nhiều số liệu về thiệt hại nhân mạng. Nhân viên Chính phủ Hoa KỳJudith Banister ra một bài viết gây nhiều ảnh hưởng trong tạp chí China Quarterly (tạp chí chuyên về Trung Quốc và Đài Loan, do Đại học Cambridge phát hành), và kể từ đó việc ước tính con số người chết lên đến 30 triệu trong Đại nhảy vọt đã trở nên phổ biến trong giới truyền thông Hoa Kỳ.

Trong thời kỳ Đại nhảy vọt, kinh tế của Trung Quốc ban đầu tăng. Sản xuất sắt tăng 45% năm 1958 và con số tăng chung của hai năm kế tiếp là 30%, nhưng lao xuống vực thẳm vào năm 1961, và không đạt được mức độ của năm 1958 trước đó cho đến năm 1964.

Mặc dù đối mặt với những nguy cơ đánh mất sự nghiệp của họ, một số đảng viên cộng sản công khai đổ lỗi thảm họa này là do giới lãnh đạo Đảng gây ra và cho rằng đấy là bằng chứng Trung Quốc cần phải dựa nhiều vào giáo dục, tích lũy thành thạo kỹ thuật và áp dụng các phương thức tư sản trong việc phát triển kinh tế. Trong một bài diễn văn của Lưu Thiếu Kỳ trước 3.000 người trong Đại hội Đại biểu Nhân dân năm 1962, ông chỉ trích rằng "thảm họa kinh tế có 30% lỗi do tự nhiên, 70% là do con người".[6] Đây là lý do chính cho sự đàn áp chống đối mà Mao đã tung ra trong cuộc Cách mạng Văn hóa đầu năm 1966.

Mao tự rời chức vụ Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1959 vì tiên đoán rằng ông sẽ lãnh trọn sự đổ lỗi cho sự thất bại của Đại nhảy vọt. Tuy nhiên, ông vẫn giữ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lưu Thiếu Kỳ (chủ tịch mới của CHND Trung Hoa) và Đặng Tiểu Bình (Tổng bí thư Trung ương Đảng) được giao quyền thực thi các phương pháp phục hồi nền kinh tế. Hơn nữa, chính sách Đại nhảy vọt của Mao đã bị chỉ trích công khai tại một đại hội đảng ở Lư Sơn tỉnh Giang Tây. Cuộc tấn công là do Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài chủ động. Bành trở nên bực bội bởi tác động bất lợi tiềm tàng mà các chính sách của Mao đã gây ra cho việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Bành cho rằng "để cho chính trị lãnh đạo" thì không thay thế được chính sách và luật lệ kinh tế; nhiều lãnh đạo đảng không nêu danh cũng bị khiển trách là cố "nhảy một cú vào chủ nghĩa cộng sản". Sau cuộc thách thức tại Lư Sơn, Bành Đức Hoài, bị cho là được Nikita Khrushchev xúi giục chống Mao, bị phế truất. Bành được thay thế bởi Lâm Bưu, một người theo chủ nghĩa cơ hội cấp tiến và theo chủ nghĩa Mao.

Ngoài ra, sự mất mát này trong chế độ của Mao có nghĩa rằng Mao trở thành một "tổ tiên khuất núi" (dead ancestor) như Mao tự dán nhãn cho mình: Một người được kính trọng nhưng không bao giờ được hỏi ý kiến, nắm giữ hậu trường chính trị của Đảng. Hơn nữa, ông cũng không xuất hiện trước công chúng. Ông hối tiếc điều này và về sau tái phát động phong trào tôn thờ cá nhân bằng việc lội trên sông Dương Tử.

Về chính sách ruộng đất, các thất bại trong việc cung ứng thực phẩm trong Đại nhảy vọt đã dẫn đến việc dần loại bỏ tập thể hóa trong thập niên 1960. Nó báo hiệu cho các cuộc xóa bỏ tập thể hóa xa hơn nữa dưới thời Đặng Tiểu Bình. Nhà khoa học chính trị Meredith Woo-Cumings cho rằng: "Chắc chắn là chế độ này đã không phản ứng kịp thời để cứu mạng sống của hàng triệu nông dân, nhưng khi nó phản ứng, cuối cùng cũng chuyển đổi được kế sinh nhai của hàng trăm triệu nông dân (một cách khiêm tốn vào đầu thập niên 1960, nhưng lâu bền sau các cải cách của Đặng Tiểu Bình đến sau năm 1978)".[7][8]

Sau cái chết của Mao và sự khởi đầu của công cuộc Cải cách kinh tế Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình, xu hướng trong chính phủ Trung Quốc là sự nhìn nhận Đại nhảy vọt như một đại thảm họa kinh tế và qui lỗi của nó là do sự tôn thờ cá nhân dưới thời Mao Trạch Đông, và xem nó như một trong các lỗi lầm nghiêm trọng mà Mao đã gây ra sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.